Lịch sử Lữ đoàn Không quân 918

Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 mở ra kỷ nguyên mới của nước Việt Nam thống nhất. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới đặt ra yêu cầu cao đối với bộ đội không quân.

Ngày 5 tháng 7 năm 1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn không quân 918, đóng quân ở sân bay Tân Sơn Nhất, sử dụng máy bay vận tải chiến lợi phẩm làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và vận chuyển quân sự, phục vụ an ninh quốc phòng và dân sinh. Trung đoàn không quân 918 nhanh chóng tổ chức chuyển loại máy bay hệ 2, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển quân sự Bắc - Nam.[1][2]

Trong cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung đoàn sử dụng rất hiệu quả máy bay và vũ khí trang bị hệ 2, tham gia chiến đấu đánh phá các tuyến phòng thủ của Khơ-me đỏ, phá hủy khối lượng lớn phương tiện chiến tranh, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm binh lính, tích cực chi viện hỏa lực cho các đơn vị bộ binh tiến công làm chủ chiến trường.

Từ năm 1981 - 1984, tàn quân FulroTây Nguyên bị truy quét mạnh nên rút vào vùng rừng núi hiểm trở, lập căn cứ hoạt động, câu kết với tàn quân Khmer Đỏ phá hoại Chính quyền. Lực lượng bộ binh đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thể truy quét tiêu diệt triệt để. Đầu tháng 3 năm 1984, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho không quân sử dụng máy bay ném bom của trung đoàn 918 chi viện cho bộ binh quân khu 5 đánh phá căn cứ Fulro.

Thời điểm đầu 1984, các phi công An-26 đã qua thực hành ném bom, có trình độ bay chiến đấu trong đội hình 6-9-12 chiếc ban ngày. Sáng 9 ngày 3 năm 1984, biên đội 8 máy bay An-26 (7 chiếc mang bom trực tiếp đánh phá mục tiêu, chiếc thứ 8 chuyển tiếp liên lạc trên không) của trung đoàn 918 do trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hiển trực tiếp chỉ huy đã cất cánh từ Tân Sơn Nhất đến mục tiêu, thả bom tiêu diệt căn cứ Fulro.

Từ chiến thắng trận đầu của máy bay An-26, trong tháng 3 năm 1984, các biên đội An-26 của trung đoàn 918 đã đánh bom các căn cứ Fulro ở mặt trận 579, tiêu diệt sư đoàn 920 Khmer Đỏ, căn cứ đầu não của quân khu Đông bắc tại rừng núi tỉnh Kratié, tây bắc Biển Hồ, Kampong Thom...[3]

Trong suốt thời gian quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, máy bay An-26 của trung đoàn 918 không chỉ chuyển quân, cứu thương, chở vũ khí, trang thiết bị... mà còn đánh bom phá MK-81 và bom bi CBU tiêu diệt nhiều căn cứ đầu não, triệt phá các nguồn dự trữ vũ khí, lương thực thực phẩm của lực lượng Khmer Đỏ.

Ngày 27 tháng 4 năm 1984, trung đoàn 918 sử dụng 4 máy bay An-26 bay từ Biên Hòa thả bom, phá hủy căn cứ. Khmer Đỏ ngưng trệ một thời gian và tháng 9 năm 1985 từng bước tổ chức lại việc khai thác và xây dựng Núi Chi thành căn cứ lớn. Sáng 22 tháng năm 1985, biên đội 4 chiếc An-26 mang bom MK-81, bom bi CBU-49 bay theo đường Biên Hòa - Krache - Cù Lao Preng, đánh bom vào Núi Chi từ độ cao 3.500 m. Ngay sau khi An-26 đánh bom, bộ binh Quân khu 7 ồ ạt tiến công làm chủ trận địa.[3]

Suốt 10 năm (1979 - 1989) làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Trung đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu gần 100 trận, vận chuyển hàng vạn lượt bộ đội và hàng trăm ngàn tấn hàng quân sự ra chiến trường, đón hàng ngàn thương binh về hậu phương.

Ngày 22 tháng 5 năm 2013, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 1682/QĐ-BQP về việc tổ chức lại Trung đoàn không quân 918 thành Lữ đoàn không quân 918).[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lữ đoàn Không quân 918 http://vnexpress.net/photo/thoi-su/nhung-vu-roi-ma... http://nxbqdnd.com.vn/?nav=book-detail&id=52692 http://phongkhongkhongquan.vn/25688/lu-doan-khong-... http://tapchiqptd.vn/vi/dua-nghi-quyet-cua-dang-va... https://www.youtube.com/watch?v=x10m1WPAnX0 https://baonghean.vn/lu-doan-khong-quan-918-dua-ma... https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/lu-doan-... https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thon... https://thanhnien.vn/chien-binh-bau-troi-ky-1-may-... https://thanhnien.vn/tai-nan-may-bay-quan-su-32-na...